Chỉ khi lâm vào túng quẫn khủng hoảng, tôi mới nhận ra: Tuổi 25, cần bỏ thói tiêu xài không tính toán và học cách tiết kiệm tiền ngay

Khi đã có trong tay một khoản tiền tiết kiệm dự phòng nhất định, chúng ta mới có thể bình tĩnh, thong dong hơn khi đối mặt với thế giới biến động mỗi ngày bên ngoài, không cần lo lương thực tăng giá, không cần lo thuốc thang khan hiếm hay thất nghiệp mà không có thu nhập một thời gian dài.

01.

Trên mạng xã hội gần đây có một bài viết chia sẻ rằng, trước khi dịch bệnh bùng phát, cô ấy và bạn trai có thể kiếm được khoảng 30-50 triệu đồng mỗi tháng. Đây là một mức thu nhập rất tốt khi sinh hoạt trong thành phố ở vào độ tuổi 25 của họ. Họ có đủ tiền để trả góp các khoản mua nhà, mua xe, chi tiêu đời sống sinh hoạt mỗi ngày và cách vài tháng lại đi du lịch một lần.

Vào các ngày trong tuần, không có thời gian tự nấu ăn, cả hai thường xuyên dẫn nhau đi ăn ở ngoài. Hay khi mệt mỏi vì công việc, không muốn bon chen ngoài đường giờ tan tầm, cô cũng thoải mái gọi một chiếc taxi mà không suy nghĩ nhiều. Chi tiêu cá nhân luôn chú trọng chất lượng hơn là số lượng, mỹ phẩm dưỡng da chưa bao giờ lựa chọn hàng tầm trung đổ xuống.

Khi nhìn bố mẹ lúc nào cũng ăn tiêu dè sẻn, được đồng nào lại tiết kiệm đồng ấy, cô còn chê họ “lo thừa” và chủ động mua sắm thêm nhiều vật phẩm đưa về nhà bố mẹ.

Cô vốn cho rằng, với tình hình này, sự nghiệp ngày càng đi lên, cuộc sống cũng sẽ ngày càng khấm khá. Thế nhưng đúng lúc đó bệnh dịch xuất hiện, các quốc gia nơi thì cấm biên, nơi thì hạn chế xuất nhập cảnh, nơi thì tăng mạnh quá trình kiểm tra, đẩy lùi các hoạt động thông thương…

Nền kinh tế bắt đầu hứng chịu ảnh hưởng nặng nề, công ty của cô cũng dần rơi vào tình cảnh khó khăn, kinh doanh không thuận lợi. Thu nhập của cô cũng như bạn trai đều tụt giảm gần như một nửa, thậm chí là chỉ còn lại 30% ở những thời điểm dịch bùng phát mạnh, mọi người thường xuyên nghỉ ở nhà.

Trong khi đó, giá cả lương thực thực phẩm thì lại không ngừng leo thang với tốc độ chóng mặt. Các khoản trả góp mua nhà, mua xe vẫn phải đều đặn chi trả đúng thời hạn. Nhu cầu sinh hoạt cá nhân chỉ có thể không ngừng cắt giảm, rồi lại giảm thêm.

Ở vào thời điểm này, ý thức tiết kiệm mới chính thức sinh ra và tồn tại mãnh liệt trong lòng cô. Nếu như có thể phát hiện điều này sớm hơn, mỗi tháng để dành ra một khoản dự phòng thì hiện tại, cô và bạn trai đã không rơi vào cảnh “giật gấu vá vai” túng quẫn như thế.

02.

Trung Quốc là quốc gia có sức ảnh hưởng tới nền kinh tế chung cũng như nhiều lĩnh vực khác của cả thế giới, do đó, những biến động do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp ở đây đang là nỗi lo ngại lớn của không ít đất nước.

Ngày 9/2, tổng giám đốc của một công ty trong ngành công nghiệp giải trí đã thông báo việc kết thúc hợp đồng lao động với hơn 200 nhân viên đang làm việc vì lý do tài vụ khan hiếm. Vụ việc này nhanh chóng lọt top tin tức được tìm kiếm nhiều nhất trên các trang mạng.

Chủ tịch của một chuỗi nhà hàng lớn cũng phải đưa ra thông báo đóng cửa hơn 97% chuỗi 400 cơ sở của mình, hiện chỉ đủ khả năng duy trì 10 cơ sở rải rác trên toàn bộ quốc gia, dự kiến thua lỗ hàng chục tỷ đồng.

Đây mới là những ví dụ điển hình của các tập đoàn lớn chứ chưa kể đến các công ty, doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Trước tình hình này, tạp chí kinh doanh Trung - Âu đã tiến hành khảo sát 995 doanh nghiệp vừa và nhỏ về vấn đề: Thời gian có thể tồn tại của doanh nghiệp dựa trên số dư tiền mặt hiện có là bao nhiêu?

Kết quả cho thấy: 67,1% doanh nghiệp chỉ có thể duy trì trong 2 tháng. Nói cách khác, trong 2-3 tháng sau khi dịch bệnh lan rộng, hơn 60% các đơn vị vừa và nhỏ sẽ phải vật lộn trong khó khăn để tiếp tục tồn tại.

Do đó, bản thân công ty đang rơi vào tình trạng nước sôi lửa bỏng thì họ cũng chẳng đủ sức mà ra tay giúp đỡ được các công nhân viên đang chịu tác động tiêu cực không kém. Nếu bản thân chúng ta không có một khoản dự phòng tiết kiệm thì rất khó có thể tự cứu lấy mình trong giai đoạn cam go này.

Có một câu nói được lưu truyền trên mạng rằng: “Khi còn nhỏ bị vấp ngã, phải xem xung quanh có người hay không, có thì khóc, không thì thôi. Khi trưởng thành bị vấp ngã, phải xem xung quanh có người hay không, có thì thôi, không mới dám khóc.”

Vào thời điểm còn non dại, chúng ta có thể thỏa thích khóc trước mặt người khác và nhận sự giúp đỡ như một lẽ đương nhiên. Nhưng khi tuổi ngày càng lớn, người duy nhất chịu giúp đỡ lúc hoạn nạn chỉ có bản thân mà thôi.

Chỉ có nắm chắc vận mệnh của bản thân trong tay, chúng ta mới sống được tự tế và hãnh diện. Tiết kiệm và dự phòng về tài chính là một trong những phương thức để dẫn bạn đi tới cuộc sống ấy.

03.

Khi nào bạn đột nhiên nhận ra mình cần phải tiết kiệm tiền?

Đó là khi người thân đột nhiên mắc bệnh nặng, phải nằm trong ICU và cần rất nhiều tiền để duy trì sự sống mỗi ngày.

Đó là khi rơi vào cảnh không việc làm, không có đồ ăn, không có tiền để sống, càng không có tiền để tận hưởng.

Đó là khi có một cơ hội rất tốt trước mắt, chỉ cần có đủ tài chính để duy trì thì chắc chắn sẽ thành công, nhưng bạn lại không có tiền.

Đó là khi bạn đứng trước những chuyện lớn trong đời như cưới vợ sinh con, xây dựng tổ ấm, và đã quá cái tuổi có thể ngửa tay xin tiền bố mẹ mình.

Một nhà văn nổi tiếng của Ireland, Oscar Wilde, từng nói: "Khi còn trẻ, tôi nghĩ tiền là thứ quan trọng nhất trên thế giới. Đợi đến khi đã già, tôi nhận ra, quả thực là như vậy.”

Cảm giác an toàn của một người trưởng thành đa số được xây dựng dựa trên nền tảng cơ sở vật chất. Khi bản thân đã có một lượng tiền tiết kiệm không nhỏ trong tay, chúng ta sẽ thêm phần nào bình tĩnh thong dong khi đối mặt với thế giới tràn ngập những biến đổi thất thường.

Tâm lý “trì hoãn sự hài lòng tức thì” hay chính là khả năng kiểm soát ham muốn cho chúng ta thấy rằng, sẵn sàng từ bỏ việc thỏa mãn những ham muốn ngắn hạn sẽ giúp chúng ta đạt được kết quả lâu dài có giá trị hơn. Tiết kiệm tiền chính là một lựa chọn của dạng tâm lý này.

Kiếm tiền tốt thôi chưa đủ, hãy xây dựng ý thức tiết kiệm tốt để cuộc sống tương lai được đảm bảo vững chắc hơn. Đó đại biểu cho ý thức kỷ luật tự giác tiên tiến nhất của một người.

Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.